1001 CHUYỆN (47)

1001 Chuyện

Xem Mục 1001 Chuyện 

– Người ta thường nói karma xấu, karma tốt, rồi cũng có ý bảo karma là karma, không có xấu hay tốt, ý nào đúng vậy Bo ?
– Đúng hay không đúng là tùy theoquan điểm mỗi người. Ai nhìn karma như là thưởng, phạt thi sẽ cho là có karma xấu, tốt; còn ai xem karma là cơ chế sinh ra kết quả của hành động, thì kết quả là chuyện tự nhiên, xấu tốt là do hành động ấn định mà không phải karma. Thế thì phải nói là hành động tốt hay xấu, mà không phải khen hay trách là cơ chế tốt hay xấu. Với lại hiểu karma như là cơ chế làm tầm nhìn rộng ra, bớt mang tính ưa thích hay sợ hãi và cho hiểu biết thú vị.
– Như điều gì, có thí dụ thì em dễ nhớ hơn.
– Vậy thì mình kể chuyện.
Đầu tiên là chuyện y sĩ nhãn khoa Sanduk Ruit người Nepal. Wikipedia ghi là ông đã giải phẩu cườm mắt cataract miễn phí cho 180.000 người, làm họ sáng mắt trở lại. Tóm tắt là ông hoàn thiện phương pháp mổ cataract, khiến y sĩ trên khắp thế giới đến Nepal học với ông. Khi y sĩ Hoa Kỳ sang Nepal để học, thấy ông và vợ con sống trong apartment hai phòng ngủ, họ ngạc nhiên nói:
–  Ông qua Mỹ làm việc đi, sẽ có lương lớn và ở nhà cao cửa rộng.
Ông đáp:
– Không, tôi ở đây chữa cho dân tôi.
Việc làm của ông được viết thành sách tên The Barefoot Surgeon by Ali Gripper. Tới đâymình tạm để ông qua bên và sang phần hai của chuyện.
Hoàng đếBasilII (958 - 1025) của đế quốc Byzantine có giao chiến với nước láng giềng và thắng trận, bắt được nhiều tù binh. Vua mới chia họ thành từng nhóm nhỏ 10 người, và ra lệnh làm mù mắt chín người trong mỗi nhóm, với người thứ mười chỉ làm mù một mắt để họ còn một mắt sáng, dẫn chín người kia trèo đèo lội suối về nước.
Bây giờ thử ghép hai phần lại với nhau thì cưng thấy có cân bằng giữa quá khứ và hiện tại, sự hòa hợp được tái lập trong cuộc sống. Nếu giả thuyết ấy đúng, từ đó suy ra vài điểm đáng nói về karma.
Mình ví karma như là cơ chế, đó chỉ là một cách nói mà không hoàn toàn đúng về mọi mặt, vì khác với cơ chế có tính máy móc, karma không hề là vậy chút nào bởi nó đầy lòng từ, tức có sự sáng suốt, cân nhắc. Chứng cớ là luật nói rằng không ai bị đòi hỏi phải trả nợ cũ quá sức mình, tức lượng karma trong một kiếp được tính sao cho con người đủ sức vượt qua, mà không quá nặng làm đè bẹp con người.
● Vậy điểm thứ nhất là karma uyển chuyển, con người do vô minh đã có nhiều lầm lỡ, nhưng mình không bắt buộc phải trả ngay, hay trả hết tất cả một lần.
– Nghĩa là linh hồn thời hoàng đế Basil trong kiếp liền sau đó, không nhất thiết phải làm cân bằng ngay sự thiếu quân bình kiếp trước, mà được khất nợ, phải không ? Mà phải có lý do chứ ?
– Nhiều phần là được khất nợ, chờ đến lúc thuận tiện hơn. Thuận tiện được hiểu theo nhiều nghĩa, một trong những nghĩa ấy áp dụng cho giả thuyết mình đang nói, là chờ đến khi linh hồn tạo được nhiều khả năng hơn cho nó, việc cân bằng karma sẽ mau lẹ, đầy đủ, hiệu quả hơn rất nhiều. Nếu giả thuyết của mình đúng thì nó chứng minh được ý đó. 
● Thế thì điểm thứ hai là karma chờ con người có đủ sức mạnh, đủ khả năng mới đòi hỏi có trang trải nợ.
● Điểm thứ ba nói người ta cũng không nhất thiết phải trả đúng trở lại cho ai họ đã phạm lỗi khi xưa; điều cần là tạo lại sự hòa hợp, còn với ai thì không quan hệ lắm. Nói chung là vậy, còn khi đôi bên có liên hệ sâu đậm thì nếu bất hòa, các đương sự được mang lại với nhau và người ta bị đòi hỏi phải cố gắng nhiều để giải quyết thỏa đáng. Nhiều chuyện trên PST chứng minh cho điểm này, ai có đọc thường xuyên hẳn đã biết mình không cần ghi lại ở đây.
● Điểm thứ tư là ý niệm về thiên trách - dharma, có nghĩa công việc ai sinh ra phải làm trong một kiếp. Thí dụ thiên trách của ông Sanduk Ruit ở kiếp này là chữa mắt có cườm, mình không rõ ông có hiểu điều ấy một cách vô thức hay hữu thức, nhưng ông đã biết và chọn không ở lại Úc hay đi Mỹ, mà trụ ở Nepal rồi đi sang nhiều nước nghèo, để chữa cho dân nước mình và người nơi khác. Dù hiểu hay không, ông đã làm tròn thiên trách của mình.
– Có phải những việc lớn lao mới gọi là thiên trách ? Thế làm nội trợ như em là có thiên trách gì ?
– Đó là chữ chung, chỉ điều mà linh hồn đặt để và muốn hoàn thành trong kiếp, không phân biệt đó là chuyện vĩ đại hay bình thường. Cho cưng thì có thể nói đó là việc làm mẹ ba quí tử, làm bạn đời với Kim …
– Nhiêu đó cũng đủ mệt rồi, Bo ơi. Nay nhìn lại thấy mọi việc suông sẻ, em thành bà ngoại, bà nội, thì chỉ biết cám ơn Trời.
– Sẵn nói về karma thì có chuyện hay lắm kể cho cưng nghe, nhưng nó còn có một ý khác. Bà Marie Hotchener là thư ký riêng cho ông Olcott, kể là mình đi diễn thuyết về TTH ở nhiều nơi, ngày kia đến một thành phố nói chuyện, khi họp xong và bà chuẩn bị đi ra, có một ông đến, xin lỗi là muốn giữ bà lại để nói chuyện, vì ông đang gặp việc làm rối loạn đầu óc và mong hỏi bà vài câu. Lẽ tự nhiên bà ưng thuận và hai người đi về khách sạn của bà, ngồi ở khu tiếp tân. Ông nói mình bị lo lắng về nhiều chuyện không vui và muốn biết thêm về luật karma, cách nó tác động trong một số trường hợp.
Bà đáp vì người ta biết được rất ít chi tiết về cách luật làm việc, nên điều bà chỉ có thể làm là đưa ra nhận xét hay đề nghị tống quát cách luật có lẽ sẽ tác động. Còn về những biến cố riêng trong đời tư của ông, bà nghĩ ông cần làm theo trực giác và phán đoán của mình, mà không phải theo bất cứ gợi ý hay giải thích của người nào khác. Vậy tốt nhất ta hãy xem vài trường hợp giả dụ, mô tả vài điểm đặc biệt của luật, và phản ứng của người trong cuộc. Bà nói trong các chuyện tưởng tượng này, bà sẽ dùng ông làm vai chính và bắt đầu như sau.
● Giả thử ông giao cho người bạn thân một số tiền lớn, để giúp họ mở thương nghiệp quan trọng mà ông có phần hùn trong đó. Về sau ông khám phá là họ không thành thật, phung phí tiền và trốn đi. Ông mất cả tiền lẫn bạn, quá lo buồn ông có ý định tự tử mà nếu làm vậy, sẽ khiến vợ con bị mất nhà cửa lâm cảnh khốn cùng. Rồi cũng giả thử là kế hoạch tự vận của ông bị một người bạn khác biết được, và họ khuyên nhủ làm ông bỏ ý định ấy. Chuyện này sẽ mang lại kết quả xấu tốt lẫn lộn.
Hẳn nhiên người xài phí tiền về sau sẽ phải trả lại nợ, còn chuyện tốt cho người bị gạt là nó dạy họ tánh cẩn thận và dè dặt. Nhưng với ai có hiểu biết về MTTL mà xếp đặt việc tự tử, quên trách nhiệm với vợ con của mình, khiến họ có thể gặp cảnh khốn quẫn mà họ không có trách nhiệm, thì người ấy sẽ gặp karma nặng nề, đau khổ cho mình, do sự hèn nhát và ích kỷ. Vì họ đã sắp xếp để tự tử, nhưng cho dù không làm theo, họ cũng vẫn bị đau khổ do lòng ích kỷ và hèn nhát vẫn còn trong bản tính của họ. Luật karma làm trung hòa nguyên nhân bằng cả hành động, cảm xúc và tư tưởng theo mức cân bằng.
Theo MTTL, tự tử là một tội lớn vì nó làm trì hoãn nghiêm trọng sự tiến bộ của con người, bởi những khối rộng lớn kinh nghiệm đời sống cõi trần là cần thiết hàng đầu cho tiến bộ ấy, và cho cơ hội để làm quân bình karma mà kinh nghiệm mỗi kiếp cho ra.
● Lòng hãnh diện là một đặc tính khác gây nguy hiểm to lớn cho người. Vậy hãy thử tưởng tượng một trường hợp mà tính này có thể gây karma. Giả dụ ông, như là người có hiểu biết về MTTL, là hội viên một chi bộ và muốn làm chi trưởng, còn người chi trưởng đương nhiệm không thân thiện cho lắm với ông. Nếu ông muốn diễn thuyết, mở lớp học hay góp phần nổi bật nào trong sinh hoạt chi bộ, họ luôn luôn ngăn cản việc ấy và không che dấu ác cảm ở các buối họp chi bộ. Điều này làm ông tức tối, và lòng hãnh diện của ông oán hận cách đối xử ấy.
Rồi ông biết được chi tiết không hay về đời tư người này; và tuy không rõ nó có thực hay không, ông dàn xếp để hội viên trong chi bộ nghe chuyện. Giả dụ hội viên bị xáo động và ép buộc người chi trưởng rút lui, rồi ông được chức ấy, lòng hãnh diện của ông được thỏa mãn. Karma tác động nặng nề với việc làm và cảm xúc như vậy. sinh ra nợ lớn phải trả, có lẽ là gặp phải cảnh không hay tương tự ở một kiếp sau.
Người đàn ông nay nhìn bà Hotchener một cách kỳ lạ. Ông ngồi thật lặng lẽ mà mặt tái đi và lo lắng. Bà hỏi bà có nên tiếp tục và ông đáp.
– Vâng, vâng, xin cứ tiếp.
Bà nói.
● Giả thử ông bà sinh con bị khuyết tật nặng. Ông cảm thấy ghê tởm với đứa bé. Ông không nhận ra nét thiêng liêng bên trong em, hay trách nhiệm làm cha đối với con, hay việc có thể là em được gửi tới ông do karma nào đó, để  làm quân bằng một lỗi lầm trong quá khứ. Khi em lớn lên, trẻ oán và buồn rầu trong lòng vì bị ông lơ là, nhất là ông tỏ ra thương yêu, chăm chút đứa em trai kế nó hơn. Vợ ông và gia đình trách móc thái độ của ông đối với con khuyết tật nhưng ông không thay đổi.
Thí dụ ngày kia em bị sốt nặng, mắc bệnh rồi qua đời, chẳng lâu sau con trai kế cũng bị bệnh giống vậy và mất đi. Giả thử vợ ông và gia đình nói đó là karma công bằng - mất đứa con mà ông yêu quí - vì ông đã bỏ mặc và xử tệ với đứa con bị tật. Rất có thể đó là trừng phạt cho người cha như thế. Người ta có thể nói đúng rằng việc mất đứa con ưa thích, là sự báo ứng công bằng cho lòng ích kỷ của ông. Chắc chắn ông có xét đến cảm xúc của mình đối với hai con, có thể có yếu tố nhân quả kiếp trước để gây chuyện như vậy, nhưng các yếu tố hiển nhiên ở kiếp này thì mạnh nhất.
● Một cảnh ngộ khác là khi không có yếu tố hiển nhiên, rõ ràng, cho người ta dựa vào để giải thích karma, vậy ta hãy xem một trường hợp loại dó. Thử tưởng tượng ông có cuộc hôn nhân hạnh phúc, là lứa đôi lý tưởng, ông thương yêu vợ sâu đậm và bà có vẻ cũng yêu quí ông. Giả dụ bà đâm ra thương yêu người khác, hãy cho đó là y sĩ đỡ đẻ lúc bà sinh con trai mà ông rất quí. Ông hay vắng nhà do công việc làm ăn, nên hai người có nhiều dịp ở cạnh nhau. Chuyện diễn ra hai hay ba năm, rồi giả dụ tình cờ ngày kia ông bắt gặp hai người trong cảnh thân mật, và vợ ông thú thật cảm tình của bà dành cho người này.
Ta hãy cho là ông quá giận, dọa sẽ phơi bầy lỗi của người ấy, rồi ép buộc họ phải rời thành phố bằng không ông sẽ giết họ. Ông cũng dọa là nếu vợ ông đi theo người này, ông sẽ giết cả hai rồi tự sát. Giả dụ sau đó ông không tìm cách hiểu hai người và tha thứ họ, hay cố gắng hành xử như ai có hiểu biết MTTL sẽ làm, là có hy sinh lớn lao lòng kiêu hãnh của mình, và cho phép vợ ông được ly dị để hai người có thể thành hôn. Về sau không chừng ông có thể tìm thấy chút hạnh phúc khi làm cả hai vui vẻ, thay vì chia lìa họ và cả ba người bị đau khổ.
Trong trường hợp này, người có hiểu biết về karma và luật tái sinh, hiểu ý nghĩa việc tự hy sinh, sẽ phải có trách nhiệm gấp đôi là tránh thể hiện lòng ghen tuông, oán ghét và trả thù quá độ. (Lẽ tự nhiên có thể có những yếu tố khác khiến việc tự hy sinh như thế thành sự ngu dại tột cùng, nhưng ta không bàn tới việc ấy ở đây.) Người có hiểu biết MTTL mà có những cảm xúc như hờn oán, trả thù và sát hại, chắc chắn không giải trừ bất cứ karma nào từ quá khứ, mà sẽ tạo một nợ cho tương lai, có tính nặng nề và rất nghiêm trọng.
Tôi nghĩ trong chuyện bi thảm này có nhiều yếu tố của karma từ quá khứ. Người chống bị dối gạt hẳn đã phạm hành vi tương tự đối với hai người có lỗi kia. Hai người sau không chừng cũng có can dự, và ngày kia cũng sẽ phải trả karma.
Trong một lúc lâu ông khách ngồi yên, nhìn chăm bẳm bà như trước, rồi ông hỏi.
– Ai đã kể cho bà hay chuyện của tôi ?
Bà Hotchener trấn an rằng ông hoàn toàn là người xa lạ với bà, chỉ khi tới đây mới gặp ông, và bà chưa biết gì về ông trước đó. Ông nói:
– Lý do tôi hỏi là vì bà đã nêu ra chính xác chi tiết của bốn sự việc lớn, xẩy ra trong đời tôi mấy năm vừa qua !
Bà ghi là mình kinh ngạc không kém so với ông khách. Càng nói chuyện hai người càng ý thức, là có gì hay ai đó đã đáp lại ước nguyện của ông muốn hiểu rõ hơn về chính mình, các lỗi của mình, và tác động của luật trong những biến cố vừa nêu. Cho chính mình thì bà trở về phòng mà sững sờ, không thể hiểu làm sao chuyện lạ lùng như thế có thể xẩy ra. Những trường hợp mà bà biết chắc là mình tưởng tượng, lại là chuyện thật trong đời ông ! Cảm nhận là chỉ có chỗ cho lòng khiêm tốn ở đây, và có gì đó lớn lao hơn cái tôi sinh ra việc này.
– Úi chà, hấp dẫn, kỳ lạ quá, mà Bo nói còn có một ý khác nữa là ý gì ?
– Karma thú vị thật nhưng lại là ý phụ ở đây, ý chính của chuyện là bà Hotchener được sử dụng để mang lại chỉ dẫn cho ông khách. Việc con người được dùng để trưng ra điều cần nói, đã được ghi trong chuyện ‘Vị Chân Sư’, khi Toni được Chân sư dùng để đưa ra lời khuyến cáo cho bà Saxton về Krishnamurti (PST 59 p. 36 hoặc trên trang web PST là phần III-B chương II). Vậy mình có hai trường hợp là lời khuyên được gửi tới ai cần, bằng cách này hay cách kia.
– Nghĩ kỹ thì em cũng có kinh nghiệm tương tự, nhưng bây giờ hiểu ra thì mới thấy, còn lúc chuyện xẩy tới mình chỉ làm mà không biết.
– Tốt quá, kể nghe đi.
– Như vầy, tổ chức mà em làm thiện nguyện có hợp tác với bệnh viện ở VN, lâu lắm rồi em đi theo họ ra Hà Nội làm việc, quen với mấy cô ở đó. Khoảng năm năm sau, một cô và đồng nghiệp được gửi đi học khóa vài tuần ở Hoa Kỳ tại thành phố của em, nên em thành hướng dẫn viên đưa hai người đi chơi cuối tuần. Tới ngày hẹn thì chỉ có cô bạn đến, cho biết đồng nghiệp của cô không khỏe nên ở lại khách sạn. Em đưa cô ra bãi biển chơi, nói chuyện đủ thứ và lan man sao đó mà cô thủ thỉ là con trai sang Đức học, sau vài năm anh chàng viết cho bố mẹ hay là đã có được bạn trai thân thiết. Cô bạn bối rối không biết nghĩ sao, một đằng là lòng mẹ thương con, một đằng cô theo Công giáo và giáo hội có chỉ dạy nghiêm khắc, cô bị dằng co không biết phải xử sự ra sao, sợ con sa hỏa ngục.
Em mới nói ý của mình, rằng trong đời tình thương là điều quan trọng hơn hết, con trai cô có được người mà anh yêu mến thì cô nên mừng cho hạnh phúc của con. Giáo hội chỉ dạy là chuyện của họ, còn chuyện của cô là thương con, ai làm việc người nấy !
– Thế cô bạn tin ai ?!
– Em không biết, sau đó cô về nước và không còn liên lạc. Điểm chính là bây giờ em thấy mình được dùng như bà Hotchener, để giải tỏa thắc mắc cho bạn; chắc chắn không phải tình cờ mà cô sang Hoa Kỳ đúng chỗ của em, rồi đồng nghiệp không đi chơi với cô hôm đó, để cô được tự do kể chuyện khó nói với em. Chắc ai cũng có lần được dùng để trợ giúp người khác. Rồi còn chuyện ai muốn tiến bước mau và trả karma sớm, cơ chế là sao ?
– Chuyện đó gọi là nhồi quả, nó diễn ra như vầy. Tới một lúc nào đó con người muốn thành đạt trong một thời gian ngắn, những điều mà người trung bình cần nhiều kiếp hơn mới xong. Ai chọn đi mau như vậy sẽ kêu gọi về mình trọn số lượng karma chưa cân bằng, và họ được cho cơ hội để trang trải thêm karma, họ làm linh hoạt những luật tái phân phối karma. Mô tả thì thể thanh của mình và nói chung của mọi sinh vật là những vùng từ lực, trong đó có nhiều đường lực túa theo những hướng khác nhau. Khi có thay đổi ở tâm của vùng lực, hướng của những đường lực khác nhau được chuyển dịch. Chuyển động của chúng có thể được điều khiển và giới hạn trong vùng đó.
Nếu mình xem mỗi người như là ở giữa một vùng từ lực của những lực cõi trần cũng như cõi thanh, ngay khi có thay đổi trong vùng từ lực của ai thì có sự dàn xếp lại karma của họ. Thay đổi này là việc tự nhiên và tuân theo luật bất biến.
– Thay đổi là nghĩa gì ?
– Mình nói về lực, vậy nó có nghĩa là con người chủ ý thay lòng ghét bỏ bằng tình thương, ích kỷ bằng xả kỷ, óc chỉ trích thành lòng từ v.v., kết quả là thay đổi làn rung động và do vậy hướng của lực.
– Nãy giờ mình nói về cá nhân, cho quốc gia thì có gì đáng ghi về karma không ?
– Quốc gia cũng có karma của nó, chuyện rõ ràng là vùng đất nào bị người khác tới xâm chiếm, dân bản địa bị tàn sát có thể tái sinh mau lẹ vào đất nước đã gây ra thảm họa này, và gây đủ mọi khó khăn cho nơi ấy qua nhiều thế hệ. Điều hiển nhiên đang thấy, là những ‘mẫu quốc’ trước đây đi chiếm thuộc địa, nay gặp vấn đề người di dân bất hợp pháp, thanh niên nghiện ma túy, cha mẹ vị thành niên v.v. Nói chung thì ý thức về tình huynh đệ đại đồng áp dụng vào đây, là nỗ lực giúp những người này hòa nhập vào đời sống quốc gia; còn với nạn di dân lậu, người hiểu biết ở Ý, Anh v.v. đã nhìn nhận rằng karma xưa ngày nay trở lại, what goes around comes around.
– Em vào youtube xem video mấy cu tí, cô tí 4, 6 tuổi chơi đàn như gió, và chiếm giải nhất cuộc thi dương cầm. Lúc phát bằng, tấm bằng cao tới phân nửa cu tí, ban giám khảo phải bế cu tí lên để chụp hình, ngộ nghĩnh lắm Bo.
– À, nói về thần đồng thì có chuyện thú vị. Có người đi tầu từ Âu châu sang Hoa Kỳ, họ nghe nói trên tầu có một thiếu niên chơi vĩ cầm tuyệt vời. Ngày kia lên bong tầu hóng gió thấy thiếu niên đứng gần,  họ nhìn kỹ và chợt có cảm nhận là gương mặt chú nhỏ thay đổi, thành mặt một người đàn ông lớn tuổi tuy các nét chính giống nhau, rồi hình ảnh mất đi trong thoáng chốc và họ nghe được một tên.
Sang tới Hoa Kỳ, họ tìm hiểu thì biết đó là tên một đại nhạc sĩ vĩ cầm X đã qua đời cả trăm năm trước, ảnh chụp ông có nét mặt là hình họ thấy mặt thiếu niên hóa thành. Sau đó thiếu niên trình diễn ở New York, báo chí nói rằng cậu là người duy nhất chơi đúng một đoạn khó trong bản nhạc, mà tác giả là nhạc sĩ X.
– Bây giờ có việc đổi giống, trai muốn thành gái và ngược lại, Theosophy có nói gì không ?
– Nguyên tắc chung là con người phải được có tự do, cho dù làm sai, phạm lỗi. Bởi con người chỉ tiến bằng cách học từ kinh nghiệm cay đắng, lầm lạc của mình. Ai muốn đổi giống của mình thì đó là tự do ý chí của mỗi người, nay thử xem sự việc diễn ra sao. Người ta tiến hành bằng cách thay đổi bề ngoài của cơ thể, để có hình dạng là trai hay gái theo ý muốn, tuy nhiên một ‘người’ không phải chỉ có thân xác mà còn có những thể thanh nên chuyện không đơn giản, mình phải xét một số mặt và không phải chỉ giới hạn vào thể xác.
● Ngay cả mặt thể chất việc đổi giống cũng chưa làm được hoàn toàn, theo nghĩa người ta có thể dùng kích thích tố hormone để thúc đẩy, hay ngăn chặn một số hoạt động của cơ thể, và giải phẫu để có bộ phận nam hay nữ, nhưng không thay đổi được căn bản là nhiễm sắc thể chromosome vẫn vậy. Một người khi sinh ra là nữ thì tế bào trong cơ thể có nhiễm sắc thể nữ, khi đổi giống thành người nam thì có thể nhờ giải phẫu để có bộ phận nam, nhưng nhiễm sắc thể nữ vẫn còn đó suốt đời, không đổi được. Chuyện cũng y vậy và ngược lại cho người nam muốn đổi thành nữ.
● Sang mặt tâm linh, trong thể thanh có các luân xa, bà Dora Kunz quan sát thấy rằng các luân xa quay theo cùng hướng ở cả hai phái nam nữ, chỉ riêng luân xa xương thiêng - sacral chủ về việc truyền giống, có nét đặc biệt là luân xa người nam quay ngược chiều với luân xa người nữ. Cưng có thể thay đổi bộ phận, bề ngoài của xác thân vật chất, nhưng vô phương thay đổi chiều quay của luân xa.
Sự việc gợi ý là việc đổi giống như hiện nay chỉ nhắm vào mặt thể chất không mà thôi, cần xét lại, vì sự sống luôn luôn có hai tính chất là tinh thần và hình thể, chúng kết hợp với nhau mà không đứng riêng tách rời. Không phải vì có kỹ thuật đổi giống thì mình đổi, ghép được tim heo cho người thì ghép, mà cần tự hỏi là làm được nhưng có nên làm hay không. (Xin đọc thêm 1001 Chuyện PST 49, 88)
– Em mừng là Theosophy cho hiểu biết, như đức Chúa dạy, ‘Hãy gõ, cửa sẽ mờ. Hãy tìm, sẽ gặp. Hãy hỏi, sẽ được trả lời’. Giải thích có sẵn đó cho ai muốn tìm, đức Chúa nói đúng thiệt !

Tham khảo: 
The Chakras and The Human Energy Field, Dora Kunz, p. 119

Xem Mục 1001 Chuyện