THIỀN VÀ KHẢ NĂNG TƯỢNG HÌNH
Thiền và Khả Năng Tượng Hình
A. Làm Hào Quang Mở Lớn
Theo MTTL con người có những thể thanh mà ta không thấy được. Bình thường chúng bao quanh thân thể, và ló ra ngoài từ vài cm tới vài tấc gọi là hào quang, nhận xét nói rằng nhiều người trong chúng ta không có hào quang đủ lớn. Giải thích bảo ấy là vì ta nghĩ mình là thể xác này, và bởi chất liệu mềm dẻo cõi thanh đi theo tư tưởng, một ít vật chất cõi trung giới có thể được kéo vào bên dưới thể xác, đôi khi làm ứ đọng gây lo lắng.
Ta cần gạt bỏ ý tưởng rằng mình là thân xác. Có lời nói thể xác là con ngựa cho ta cỡi, và ấy là hình ảnh rõ ràng hơn hết, vì nó là vật sống động với tâm thức mù mờ của riêng nó, ngoài cái thức của ta. Tâm thức ấy làm thể xác có ý tự bảo tồn như nhấy sang bên tránh đường xe chạy, hay kéo chăn đắp lên người khi ta say ngủ. Nói khác đi thân xác có bản năng của nó, và có những phản ứng căn bản để sinh tồn, tức biết làm gì cho chính mình để chữa lành, bảo vệ sự sống. Về điều này, bà Blavatsky viết:
– Phân nửa, nếu không phải là 2/3 bệnh tật của chúng ta là kết quả của óc tưởng tượng và các nỗi sợ hãi của ta. Hãy phá tan những cái sau và sửa đổi cái trước, rồi thiên nhiên sẽ làm phần còn lại.
Nhiều bệnh của thể xác bắt nguồn từ phần tâm linh, người có thông nhãn thường quan sát thấy dấu hiệu của bệnh hiện ra trong hào quang trước, ít nhất hai năm trước khi ung thư xuất hiện trong cơ thể. Do vậy nên HPB khuyên rằng:
– Hãy suy gẫm ngày đêm về sự không thật của mọi sự việc quanh bạn và chính bạn… Huyễn tưởng căn bản lớn nhất bạn phải vượt qua là ý đồng hóa mình với thể xác. Hãy bắt đầu nghĩ về thân xác như chẳng gì hơn là căn nhà mà bạn phải trú ngụ một thời gian.
Việc ta đồng hóa quá mức với thể xác của mình gây ra ứ đọng lực tâm linh, hệ quả là làm giảm kích thước tỏa rộng của hào quang. Nơi nhiều người mức tỏa rộng là chừng 20 - 30 cm mỗi bên thân, và không vượt quá tường căn phòng, dầu vậy nó có thể to hơn. Có hai tình cảm mà lực của chúng làm hào quang mở lớn, là tình thương và lòng can đảm. Một số người khi tham thiền đã dùng trí năng hơi nhiều, nhưng chỉ suy nghĩ khi thiền thì chưa đủ, ta cũng cần phải rung cảm, và cảm xúc thì quan trọng như tư tưởng khi hành thiền.
Ta có thể lấy hình ảnh của người mà ta thương mến và dùng nó để tạo ra cảm xúc. Kế đó buông bỏ tư tưởng, hình ảnh, và dùng ý chí khơi rộng cảm xúc, hình dung nó như đang tỏa ra xa, xa hơn nữa khắp chung quanh mình. Vì chất liệu tâm linh đi theo tư tưởng, nếu tưởng tượng là hào quang mở lớn ra ngoài theo mọi hướng thì nó sẽ làm theo như vậy; và khi ta ngưng hào quang sẽ trở về mức độ cũ như sợi dây thun, tuy không đúng hẳn.
Thế thì nếu ta tiếp tục ngày này sang ngày kia, hào quang sẽ dần dần nở lớn, làm sức khỏe và hạnh phúc của ta được tốt đẹp hơn. Nó có thể mở rộng tới gần 500 m. Khi ta ra chốn đồng quê rộng rãi, hãy tượng hình hào quang bừng sáng và nở lớn, không những hai bên người mà theo đủ các phương hướng, sáu hướng như đức Phật (bốn hướng thêm với trên, dưới).
Linh hồn có thể được ví như con chim biết hót mà nay lặng tiếng bị nhốt trong lồng. Những song sắt của lồng là các ham muốn, và ưu tư cá nhân lần lượt phải được bẻ gẫy từng cái một, cho chim được tự do bay bổng, như lời nói ‘Khi tất cả những gì trói buộc tim người bị tan vỡ, con người phàm trở thành bất tử’. Anh có hai cánh, và không thể bay với chỉ một cánh mà với hai cánh, đó là tư tưởng thanh khiết và cảm xúc trong sạch. Khi cả hai ngày càng thanh bai và trong sáng hơn, con chim sẽ bay càng lúc càng cao, nó sẽ bay cao tới mức gần như mất hút và ta khó có thể thấy hình bóng chim nữa, mà chỉ còn nghe tiếng hót.
Khi chim bay tới cao thật cao, đôi cánh sẽ thăng bằng giữ yên trong không, linh hồn cũng vậy, càng lúc nó càng tiến lên cao vào chỗ thinh không cõi Trời. Sự việc được triết gia mô tả là ‘Con người quên mọi cảm giác của thân hình và thành tĩnh lặng still’. Bản chất tinh thần phải được làm tỉnh thức, và HPB viết là con người không biết được chính mình cho tới khi nào họ được tỉnh thức; nhưng bản chất tinh thần không phải là trí năng, mà nó vượt ra ngoài cõi tri và mọi diễn trình của trí não, tới ý thức như kinh sách nói ‘là chuyện không thể nghĩ bàn’.
Một sự giúp đỡ to lớn khi tham thiền là sức mạnh của óc tưởng tượng, khả năng tượng hình. Nhìn ở cõi thanh dòng tư tưởng của chúng ta chứa đầy hình tư tưởng, tín đồ tạo hình Chúa, Phật, hội viên tạo hình Chân sư, hình giống thật các ngài hay chăng thì không quan hệ. Chuyện xẩy ra là các ngài gửi hứng khởi xuyên qua những hình ấy, và càng ngày hình càng sinh động do tư tưởng và ước nguyện mà chúng ta liên tục tuôn vào đó.
HPB viết tình thương thanh khiết là cách tốt nhất để cảm nhận cái ngã thiêng liêng. Bao lâu mà tình cảm được thanh khiết và vô ngã, chuyện duy nhất xẩy ra là nó nâng cao và mở rộng tâm hồn. Tất cả những tư tưởng và cảm xúc vô ngã, không ích ký, thanh cao làm tăng kích thước của hào quang. Nhiều người không linh hoạt đủ. Cái gì làm ta sống động ? Không phải ta nghĩ gì, mà là cảm xúc điều chi. Hào quang của ta phải bừng lên, chiếu sáng và nở lớn. Óc tín điều, định kiến và trên hết thẩy lòng sợ hãi làm bìa hào quang cứng lại kỳ lạ, gọi là cái ‘vỏ’, và một quả tim sáng rỡ khiến ta mau bước tới Vĩnh Cửu hơn là một đầu óc đầy nghẹt suy nghĩ.
B. Cách Tạo Hình
Việc tượng hình không chỉ được dùng trong tham thiền, mà còn có thể và nên áp dụng vào một số việc khác. Bà Dora Kunz đưa ý là người ta thường sinh hoạt theo thói quen, ta tạo nên cái nếp, khuôn mẫu pattern và xử sự theo khuôn mẫu đó. Ta nói nhiều về cái trí và tình cảm của mình, nhưng nếu chấp nhận ý tưởng là có thế giới vô hình bao quanh, ta sẽ ý thức là trong đó mỗi vật đều có rung động lan tỏa mà ta thường hay quên, không ý thức là cảm xúc, cách ta suy nghĩ có thể ảnh hưởng người khác. Chỉ bằng cảm xúc mà ta mới có thể hiểu được ý tưởng về tính duy nhất căn bản (vạn vật đồng nhất thể), được nhấn mạnh cho hội viên của hội TTH.
Ta ít ý thức về thế giới vô hình tuy sự thực là chúng ở quanh ta, và có thể chữa lành tâm trí và cảm xúc thường khi bị xáo trộn của ta. Theo kinh nghiệm, bà nói rằng ta có thể tượng hình bất cứ điều gì hợp với ta, thí dụ bà chọn cái cây vì đối với bà, cây là biểu tượng của sự vững chãi, người khác chọn biển xanh bởi nó tượng trưng sự tĩnh lặng cho họ. Khi tập trung cái trí để tạo hình, hành động mang lại năng lực mới có thể làm bình thản trở lại cảm xúc, nếu đang có chấn động trong lòng. Nếu đang đau yếu, việc tượng hình này có thể không làm thể xác ta được chữa lành hoàn toàn, nhưng ta sẽ có được tâm thần an ổn.
Khả năng tượng hình được khuyến khích vì một ý rõ rệt. Ta thường nghe lời dạy là sống trong vĩnh cửu, cảm thấy mình là một với vạn vật; trạng thái hay tâm thức này không thể đạt tới bằng cách tham thiền mỗi ngày nửa tiếng, theo một cách nào đó; mà nó có được bằng cách tập giờ này sang giờ kia, trọn ngày dài và mỗi ngày, giữ cho tâm thức ở mức càng cao gần mức đạt được lúc tham thiền buổi sáng càng tốt. Việc làm này tỏ ý nhất quyết xem mình lúc nào cũng là Chân nhân, mà không phải là phàm nhân.
Khi tập, người ta cần phải có sự canh giữ thường xuyên từng giờ trong ngày, để ngăn không rơi trở lại vào làn rung động thấp, nó là việc không ngừng tranh đấu để giữ cho mình ở làn rung động cao, và - đây là điều ta được khuyên chú tâm - mục tiêu phải là sự phát triển thói quen tham thiền trọn ngày dài, sống trong tâm thức cao, cho tới khi tâm thức ấy vững vàng đến mức cái trí, tình cảm trở thành chỉ giản dị là phương tiện, qua đó Chân nhân tiếp xúc với thế giới để phụng sự con người.
Khi làm vậy, bạn thành đạt chuyện mà người trung bình ít nhận biết, ấy là bạn tạo một hình thể, một hình tư tưởng. Những hình này thường có hai loại tuy không phải lúc nào cũng vậy, một loại có lòng sùng tín, hay tình thương, tính hòa hợp nhiều hơn và loại kia thiên về trí tuệ. Như vậy ta thấy hình được tạo tùy thuộc vào tính khí của mỗi người, và mỗi chúng ta sẽ tạo hình khác nhau đôi chút.
– Loại thứ nhất sẽ bắt đầu với một hình ảnh cá nhân mà họ thương mến, và từ cá nhân ấy, sẽ thay dần thành Chúa, Phật, Chân sư.
– Loại thứ hai khởi sự bằng việc tham thiền về một đức tính đáng ao ước nhất cho họ, rồi từng cái một tạo nên hình thể của cái tôi lý tưởng, cho tới khi tất cả đức tính có được, và con người đột nhiên tiếp xúc được với Chân nhân.
C. Giải Thích
Bí quyết của mọi việc tham thiền đúng thật là khả năng tượng hình. Đây là bước đầu tiên cần làm thành thạo. Người chí nguyện nên nhấn mạnh vào diễn trình này, vì sau rốt nó cho ra khả năng dùng sức mạnh sáng tạo của óc tưởng tượng, cộng thêm năng lực trí tuệ như là cách để khuếch trương mục tiêu của Thiên Đoàn, và thực hiện Thiên cơ. Tất cả những cách thức mới về kỹ thuật tham thiền đưa ra sau này, phải và sẽ dùng việc tượng hình như là bước sơ khởi, vì các lý do sau:
● Tượng hình là bước đầu tiên của việc thể hiện luật huyền bí, nói rằng ‘năng lực theo sau tư tưởng’ mà ai học hỏi huyền bí học đều được nghe qua, nghĩa là đã biết luật về mặt lý thuyết. Một trong những việc đối đầu người chí nguyện là đạt tới hiểu biết sự kiện. Việc tượng hình (là một nét rõ ràng của chỉ dạy thuộc nhiều trường bí giáo) chỉ giản dị là bài tập để luyện khả năng tượng hình. Với ai đã thành thạo, bước kế là ấn định hướng của năng lực.
Bài tập nhắm tới việc người chí nguyện hướng tới một điểm, giữa tùng quả tuyến pineal gland và tuyến não thùy pituitary gland bên trong đầu. Ở vùng ấy, anh vẽ hình và tô những cảnh và do vậy có được khả năng thấy - ảnh rộng lớn và ảnh chi tiết - điều mà anh ao ước và có ý định làm. Khi ấy, tuyến thành trung tâm một vùng từ lực do sức mạnh của việc tượng hình; năng lực mà người ta tích tụ lúc đó được chủ ý hướng tới một trong các huyệt. Tư tưởng được tập trung như vậy sinh ra những kết quả không tránh được bên trong thể sinh lực, và như thể óc tưởng tượng sáng tạo cho ra tác động.
● Việc tượng hình có ba phần, tương ứng một chút với diễn trình tạo tác của chính Thượng Đế.
– Thu góp năng lực chọn lọc vào trong một chỗ ấn định.
– Chủ tâm chọn chỗ là một điểm trong vùng tùng quả tuyến. Năng lực này giờ được tụ lại mà không phân tán.
– Tuôn lực có chủ ý này theo bất cứ hướng mong muốn nào, tức là đến các huyệt theo một thứ tự.
Việc gửi năng lực theo hướng có thể trở thành thói quen tinh thần cho người chí nguyện, nếu họ bắt đầu làm nó chậm rãi và từ từ. Mới đầu ta có thể thấy chuyện tượng hình cực nhọc và vô ích, nhưng nếu trì chí, sau rốt ta sẽ thấy không cần gắng sức chi cả và hữu hiệu. Đây là một trong những cách quan trọng nhất mà vị Chân sư làm việc, thành ra chuyện cần yếu là ta nên bắt đầu tập làm cho thành thạo. Thứ tự các bước là:
– Thu góp năng lực
– Tập trung tư tưởng
– Phân phối hay hướng lực đi.
Người chí nguyện tập làm điều này bên trong con người mình, và về sau hướng năng lực (thuộc một loại đã chọn tùy theo nhu cầu của họ vào lúc đó) đến chỗ nằm bên ngoài họ. Cách này sẽ thành một trong những kỹ thuật lớn để chữa bệnh mai sau. Đây còn là cách mà vị Chân sư dùng cho những việc khác.
● Khả năng tượng hình đúng cách là một cách rõ rệt để kiểm chứng sự thật hay điều giả mạo. Óc tưởng tượng sáng tạo, ‘hình dung ra một hình thể’ bằng khả năng tượng hình và bằng năng lực của cái trí, cho hình thể này sức sống và hướng. Nó thể hiện mục tiêu, theo đó một đường hay sự tương ứng năng lực được tạo nên giữa cái trí và thể tình cảm,
Diễn trình tạo hình này và việc dùng óc tưởng tượng tạo nên hai bước đầu trong việc tạo hình tư tưởng. Các Chân sư làm việc với những hình do con người tạo ra - thể hiện các lý tưởng tinh thần và mục tiêu thiêng liêng - và mục tiêu của Thiên Đoàn có dạng qua những hình này. Thế nên chuyện thiết yếu là người chí nguyện nên thận trọng, và chậm rãi làm việc theo cách ấy, dùng chỉ dạy này một cách sáng tạo và xây dựng.
D. Áp Dụng
Khả năng tượng hình và óc tưởng tượng sáng tạo có liên hệ với nhau, có ba bài tập được đề nghị.
● Bài thứ nhất:
1. Hãy hình dung bạn đứng ở bên của một đầm có những búp sen còn khép kín và nằm trên lá sen xanh. Bên trên là bầu trời xanh và phía trước - ngang qua đầm búp sen với lá, và ở chân trời xa tít là cổng vàng óng với hai cánh cửa đóng chặt.
2. Rồi tưởng tượng bạn đang xem các búp sen chậm chạp nở ra, từng chút từng chút một, đầm sen đổi từ xanh lục sang vàng óng, và tất cả có thể thấy là một khối những hoa vàng chói, nở bung lớn dưới ánh mặt trời.
3. Kế đó hình dung bạn đặt một chân lên đầm và thấy nó là một con Đường vững chắc, thay vì là bùn và nước như đã tưởng, hiện ra trước mặt khi bạn tiến bước, chia đầm sen thành hai nửa và dẫn đi thẳng tới cánh cổng vàng.
4. Khi bạn tiến lên trên đường, hãy tưởng tượng hai nửa của cánh cửa chậm chạp mở ra khi bạn tự tin đi tới, nhìn vào cổng mà không nhìn xuống chân.
Ta phải tự mình tìm ra ý nghĩa của hình ảnh đó. Mà loại bài tập hay đúng ra cách tham thiền riêng biệt này có ích lợi chi ? Câu đáp là nó có hai ứng dụng chính.
– Đầu tiên là nó tập cho ta cách dùng óc tưởng tượng sáng tạo (là một đặc tính của trực giác)
– Hai là nó đưa ta ra khỏi lối mòn của công việc phàm trần mà người ta bắt buộc phải quan tâm thường xuyên, và cho ta sự tươi mát và ý thức về thế giới tinh thần. Bạn để lại ưu tư và lo lắng đằng sau khi bước qua đầm sen, và trong vài phút mỗi sáng, trụ tâm thức bên ngoài đời sống của cái tôi. Ảnh hưởng của việc tập này vào đời sống hằng ngày và việc phụng sự của ta, nếu ta có thể thực sự làm trọn bài tập sẽ mạnh mẽ nhiều phần hơn ta có thể đoán.
● Bài kế là về khả năng tượng hình về sự Sáng, gồm các bước:
1. Ngồi yên lặng và tự nhiên. không bận tâm với các vấn đề mà trong buổi tập này, thời gian chỉ giản dị dành cho nỗ lực là một ảnh tượng được tụ vào, với con mắt của cái trí hướng về linh hồn.
2. Khi sự chú ý xem ra khá đủ, dùng sức mạnh của tưởng tượng sáng tạo để thấy chóp của một kim tự tháp ở xa, trên đỉnh chiếu rọi ánh sáng trong trẻo mầu trắng với sức mạnh mẽ lớn lao.
3. Với ánh sáng ấy bạn tìm để đồng hóa mình, nhập vào bên trong và dùng sự soi sáng của nó để ánh sáng bên trong có thể chiếu rạng. Sau vài phút đồng hóa cẩn thận bạn nói:
Tôi là ánh sáng mờ nhưng ánh sáng thanh khiết chiếu rạng. Ánh sáng không xa mà mỗi ngày, mỗi giờ kéo lại gần hơn.
Cái ánh sáng là cái tôi nhỏ bé phải biến mất bên trong Ánh sáng lớn hơn.
Nên với Ánh sáng ấy, cái Ánh sáng lan khắp, chiếm lấy tất cả, tôi hòa vào và tan biến.
Tôi không còn thấy hai điều - Đại Ngã, tiểu ngã, hành giả và con đường mà chỉ thấy được một cái - là Tổng thể lớn hơn được soi sáng.
4. Hãy thấy hình ảnh sự sáng của cái ngã và ánh sáng của linh hồn, và thấy ánh sáng ấy tụ vào phàm nhân ở cõi trung giới.
5. Rồi xướng thánh ngữ O M khi có được sự ổn định của ánh sáng.
Chuyện giản dị là ta tìm cách tượng hình diễn tiến, biết rằng ‘Con người nghĩ ra sao thì họ thành như vậy’. Đừng tìm kết quả. Hãy luôn nhớ rằng khi bạn tiếp tục một lòng với bài tập này, kết quả chắc chắn sẽ tới, bằng không đã không có sự phí công đưa ra hay phí công tập luyện. Hãy tập đều đặn như được chỉ dẫn, không lo lắng, và tới đúng ngày giờ thì kết quả sẽ thể hiện ra.
● Nay là bài tập tham thiền thứ ba theo chỉ dẫn của bà Dora Kunz. Bà nói ký ức và cách suy nghĩ ảnh hưởng đời sống của ta, khi ta nghĩ hoài về một điều, hay nhớ lại mãi một sự việc trong quá khứ đã gây cảm xúc mạnh mẽ cho ta, tư tưởng được nghiền ngẫm và cảm xúc lập đi lập lại, như nhớ lại ai làm ta buồn lòng hay vui, sẽ tạo thành nếp có tính tiêu cực hay tích cực, như lòng hờn giận, thương tiếc, yêu mến, hân hoan v.v. Một cách để phá vỡ cái nếp có tính tiêu cực này là tạo hình trong trí mỗi ngày, và quyết tâm thay đổi, có ước muốn thay đổi. Bà cho rằng khả năng tượng hình là điều có giá trị mà người ta nên tập.
Đi kèm với hoạt động trí tuệ vừa nói là cảm xúc, và ta cũng có thể dùng khả năng tượng hình để truyền cảm xúc thí dụ sự bình an, thương yêu. Để làm vậy, trước tiên ta phải tự cảm thấy có bình an, yêu thương trong lòng, khi làm được rồi ta có thể tuôn nó ra hướng tới đối tượng. Đầu tiên tạo hình ai ta muốn giúp rồi gửi tình thương, thiện chí đến họ. Hay khi muốn phá vỡ cái nếp suy nghĩ thì tượng hình ai đã gây cho ta cảm xúc mạnh, rồi tưởng tượng một lực mầu vàng tuôn ra tới họ thay cho cảm xúc ấy, làm phá vỡ cái nếp mà lòng giận hờn đã tạo ra bấy lâu.
Ý chót của bài là tuy chúng ta được khuyến khích phát triển và dùng khả năng tượng hình, sự việc không muốn nói là khả năng chỉ áp dụng cho người ở bước đầu tập thiền là chúng ta, mà thực tế là khả năng luôn được những đấng cao cả sử dụng khi làm việc. Các ngài có phần Thiên cơ phải thực hiện, và óc tượng hình là một dụng cụ cho các ngài để chu toàn trách nhiệm, thí dụ đưa ra là đức Manu (Vị Bàn Cổ) có công chuyện là tạo giống dân mới, và địa hình mới cho trái đất. Ngài tiến hành bằng cách tạo ra mẫu thể xác với đặc tính muốn có, địa hình sẽ có và hướng lực để khuôn mẫu này thành thực tại.
Đi tới tột cùng, Thượng Đế tạo nên vũ trụ và thiền hay chú tâm vào vật thể, hiện tượng được tạo ra là thế giới biểu lộ gồm vô hình cùng hữu hình trong bẩy cõi. Bao lâu ngài còn hướng tư tưởng vào hình, chìm đắm trong thiền, bấy lâu vũ trụ còn tồn tại. Khi ngài ra khỏi thiền, tư tưởng không còn hướng tới vật và không còn năng lực tuôn vào làm sinh động vật, thế giới biểu lộ tan biến. Sự tượng hình vì vậy chứng minh ý ‘Trên sao dưới vậy’, điều chi thấy nơi đấng siêu nhân thì cũng thấy và tác động y hệt nơi người trần.
Nếu ta dùng tình cảm, trí tuệ và trực giác, ta có thể ảnh hưởng và giúp được người khác; ta gây ảnh hưởng bằng cách này qua cảm xúc và tư tưởng mạnh mẽ nhiều hơn ta tưởng. Chuyện quan trọng hơn hết là bạn có thể cho ra điều gì. Bà Dora Kunz thuật lại kinh nghiệm của mình là sáng đi làm, bà dùng xe điện ngầm mà không thích chút nào. Bà nhìn người khác ngồi hay đứng chung quanh và nghĩ thầm:
– Ngồi xe nghĩ vẩn vơ chỉ phí giờ, để mình thử gửi tư tưởng bình an tới người đối diện, trông họ rầu rĩ quá.
Làm vậy thì đầu tiên bà được ảnh hưởng tốt lành, vì ngưng không gửi ra ý tiêu cực và chán ghét; nếu đó là chuyến xe dài, ta có thể thực sự thấy ảnh hưởng trên mặt người khác, họ bớt sầu não hơn. Ấy là chuyện mà hội viên hội TTH nên nhớ là có một cách cho ta giúp đời, đóng góp vào thế giới đầy lo lắng xáo trộn. Nếu ta có thể xem mình là trung tâm gửi ra sự an ổn và dạ ân cần, kết quả sẽ tốt lành nhiều hơn ta tưởng, vì khi mở rộng con người mình cho ảnh hưởng của lực đến từ những cõi khác, tư tưởng mà ta chủ ý gửi ra sẽ có năng lực tăng bội rất nhiều.
Vậy chúng ta hãy là những trung tâm của sự an lành và trợ giúp, và ta hãy tin rằng mình có thể cho ra, gửi đi ý lành, tin tưởng như vậy là điều rất quan trọng.
Tham khảo:
Discipleship in the New Age, vol. I, II, A A. Bailey