VỀ THƯỢNG TRÍ

Về  Thượng  Trí

Xem Bài Liên Quan: Luật Thiêng Liêng & Các Thể Thanh

Con người có hai thành phần trí năng, hạ trí với suy nghĩ cụ thể, tạo hình tư tưởng, môi trường sinh hoạt của nó là bốn cảnh thấp gọi là những cảnh sắc tướng rupa của cõi trí; thượng trí với tính cách chính là suy nghĩ trừu tượng. nơi hoạt động của nó là ba cảnh cao vô sắc tướng arupa của cõi trí,  Phân biệt khác là hạ trí thuộc phàm nhân, là một vận cụ cho nó sử dụng, còn thượng trí thuộc Chân nhân. Giống như vài hoạt động của thể xác như nhịp tim, nhu động của ruột, trải qua cuộc tiến hóa nay trở thành tự động, chúng làm việc không cần con người quan tâm đến, hoạt động của chúng nằm dưới tâm thức của ta, cũng y vậy mai kia hạ trí và tình cảm hóa thành tự động, phản ảnh thành phần cao là thượng trí và bồ đề tâm. Nhưng chuyện ấy còn xa, vào lúc này với hạ trí đã được sử dụng thông thạo, bước đường kế của ta là làm thượng trí nẩy nở, luyện tập để dùng thượng trí.
. Lý do thêm cho việc thượng trí được nhấn mạnh vào lúc này, là bởi các Chân sư làm việc từ cõi trí trở lên, ta cần phát triển khả năng của thượng trí nếu muốn hợp tác với các ngài. Kế nữa, những chân lý cao siêu càng lúc càng trừu tượng, thuộc tâm thức cao mà ai muốn có hiểu biết thâm sâu, bắt buộc phải dùng quan năng tinh tế hơn là thượng trí, bồ đề tâm mới ‘ngộ’, vì thế mà sách vở nêu ra đòi hỏi là sự phát triển thượng trí cho ai muốn tiến xa hơn về mặt tinh thần.

Đặc Tính
Hạ trí chỉ về óc thông minh intellect, kiến thức knowledge, còn thượng trí là sự hiểu biết understanding hàm ý thông cảm. Để hiểu sự khác biệt này ta cần nhìn các sự việc theo cách sâu xa, là chúng luôn gồm hai phần: hình thể và sự sống; cái sau làm linh hoạt cái trước, hạ trí tìm hiểu, phân tích hình thể, ghi nhận sự khác biệt và có tính chia rẽ; còn thượng trí nhìn thấy sự sống trong hình thể, nhận ra sự sống trong muôn loài và do đó có tính tổng hợp, chú tâm vào tổng thể không có óc phân biệt.
Ai cũng có thể bảo mình có ít nhiều tính của thượng trí và đúng thế, vì đó là cách con người phát triển. Nơi em nhỏ đang lớn, em không lớn tay trước rồi sau đó mới đến chân, thí dụ vậy, mà mọi phần trong cơ thể đều cùng lớn ít nhiều theo tốc độ riêng của chúng. Con người thiêng liêng với các nguyên lý như tình cảm, trí năng (hạ trí và thượng trí) v.v. phát triển theo cách ấy, nên trong mỗi chúng ta các nguyên lý cao tiềm ẩn cũng nẩy nở song song với nguyên lý thấp, dù rằng không cùng mức độ, và ở thời điểm nào đó không được quan tâm. Nay với ai mà hạ trí đã lớn mạnh vững vàng, có ý cho rằng đây là lúc họ nên chú mục hơn tới thượng trí và mở mang nó. Diễn trình chủ tâm làm nẩy nở phần cao của trí năng, được gọi là tạo cây cầu antakarana nối hai phần. Để giữ cho bài được dễ hiểu, ta không đi vào phần kỹ thuật hay dùng danh từ Phạn ngữ, và chỉ để cập những ý giản dị về việc làm này.

Cách Mở Mang Thượng Trí
Vì thượng trí là trí trừu tượng, một cách để làm nẩy nở quan năng này là học toán (!), cho ai không mặn mà lắm với toán học thì có cách khác là học về biểu tượng học. Đây chỉ là hai trong nhiều cách, ngoài ra còn có tham thiền với nghĩa rộng. tức có nhiều hoạt động tuy cách thực hành khác nhau mà kết quả giống nhau, thí dụ ngồi lặng lẽ suy gẫm kinh sách (cung hai), hay miệt mài lập trình programming (cung năm), hay chìm đắm suy tính chuyện giao dịch bán buôn (cung bẩy) đều là thiền. Trong thời đại mới ta cần nhìn sự việc theo quan điểm mới bao trùm hơn.
● Về biểu tượng học, nơi cõi vô sắc tướng chữ không đủ sức diễn tả các ý niệm thâm sâu, nên chúng được thể hiện bằng biểu tượng như:
– Đường thẳng: vạch đứng và vạch ngang, chữ thập,
– Các hình kỷ hà như tam giác, hình vuông, ngôi sao năm cạnh hay sáu cạnh
– Vòng tròn, hình tròn có chấm ở giữa, hình tròn có đường kinh nằm ngang hay thẳng đứng v.v.
Tất cả đều có ý nghĩa riêng và chứa đựng nhiều chân lý trong hình. Các hình có thể đứng riêng biệt hay kết hợp hai hoặc nhiều hình với nhau, thí dụ ấn tín của hội là con rắn (vòng tròn) bao quanh ngôi sao sáu cạnh ở trong. Và không phải chỉ có hình kỷ hà mà ta còn có hình người với các dạng khác nhau. Hình mà chắc nhiều người quen thuộc là biểu tượng cho Bảo Bình, con người đội bình nước trên đầu chế xuống. Bạn có thể đọc lại bài Biểu Tượng, PST 86 để hiểu kỹ thêm, ở đây chỉ xin đưa ra một thí dụ nhiều ý nghĩa là các hình ảnh biểu thị những chặng đường tiến hóa:
– Người chưa phát triển được mô tả bằng hình tròn với đường kính nằm ngang      , họ ý thức tính nhị nguyên như là sự tách biệt giữa cao và thấp, thiên tính và nhân tính.   
– Người chí nguyện được tượng trưng bằng ba chấm ∴ hay tam nguyên, muốn nói ba thành phần Chân thần, Chân nhân và phàm nhân còn tách biệt chưa kết hợp với nhau.
– Người đệ tử là hình tròn với đường kính nằm dọc      , hàm ý họ cũng ý thức tính nhị nguyên nơi mình, nhưng với nghĩa khác và việc phải làm. Ở đây vạch thẳng đứng chỉ con đường Đạo hẹp, dễ bị vấp té giữa những cặp đối nghịch, vạch cũng chỉ việc thay đổi cách suy nghĩ từ hạ trí thăng hoa lên thượng trí. Ý thêm nữa nói đó là sự liên hợp giữa trên và dưới, cái thấp vươn lên hòa vào cái cao.
– Vị đạo đồ là vòng tròn     chỉ tính nhất nguyên, và có nhiều ý nghĩa. Ta có thể hiểu hoặc đó là người đã hòa hợp ba thành phần nơi mình, và tính thiêng liêng được thể hiện trọn vẹn, hay hợp nhất với Đại ngã.
Các hình này tuy đơn sơ nhưng biểu hiện, và truyền đạt những chân lý mênh mang cho ai có trí tỏ ngộ.
● Cách thứ hai có tính bắt buộc cho tất cả (khác với việc thích toán hay không), là nỗ lực bước vào đời sống tinh thần. Ta cần nói kỹ điều này vì sách vở lẫn quan niệm chung thường thấy, và được nhiều người tin tưởng cùng làm theo, nói người ta cần lập hạnh, cho rằng ấy là đường Đạo, và khi có cố gắng một chút để loại trừ các khuyết điểm lớn và tập một chút các đức hạnh chính, người chí nguyện tin vậy là đủ, chắc chắn rằng mình đang bước trên đường Đạo.
Họ nghĩ như thế bởi nhiều tài liệu đưa ra khi trước viết vậy, gồm qui tắc lập hạnh, làm chủ con người mình, có lòng khoan dung, không ích kỷ; nhưng chúng chỉ là những bước sơ khởi và phải được coi là chuyện tự nhiên ai cũng rành, cũng làm theo, không có gì đáng nói. Ta cần biết thêm là con đường không phải chỉ có vậy, người chí nguyện không phải chỉ bận tâm với bấy nhiêu chuyện, mà còn cần chú ý tới những đòi hỏi thâm sâu cho việc tiến bước xa hơn, là vào Ashram của Chân sư và phụng sự Thiên cơ. Sự việc này chỉ có được, khi người chí nguyện bắt đầu có cố gắng rõ rệt trụ vào cõi trí, nói khác đi bạn thấy điều kiện thời nay của Ashram là người ta phải có phát triển trí năng, sử dụng nó một cách thông minh và có ý thức. Ở giai đoạn này, anh phải bắt đầu có vài ý tưởng chính xác hơn so với từ trước tới giờ, là sự phân biệt rõ ràng giữa người suy nghĩ, cái trí và tư tưởng, với hai vai trò của cái trí:
– Việc nhìn nhận và tiếp nhận ý tưởng
– Khả năng tạo hình tư tưởng
Nó đòi hỏi có trí năng mạnh mẽ và việc hướng cái trí vào thực tại. Con người bắt đầu làm việc ở cõi trí, với chất liệu nơi đó, và luyện cho mình khả năng sử dụng tư tưởng, dùng sức mạnh tư tưởng. Anh làm chủ cái trí và khởi sự hữu ý tiến bước vào những cõi cao hơn, trước tiên là vào cái trí tinh thần và cõi của trực giác. Khi nỗ lực từ dưới vươn lên như vậy, thì có đáp ứng từ trên đi xuống, có sự tiếp xúc của phàm nhân với Chân nhân và kết quả là sự sáng, cho tỏ ngộ ít nhiều tùy nỗ lực.

Tính Chất
● Tất cả những điều này diễn ra nhờ tham thiền, nhờ cố gắng thường xuyên để có trực giác, nhờ việc phụng sự Thiên cơ theo mức hiểu biết của mình. Các tính chất và hoạt động ấy dựa trên nền tảng lập hạnh và sửa mình, đã làm ở giai đoạn sơ khởi của con đường. Để trí năng có thể sinh hoạt ở cõi phàm lẫn cõi thanh, điều chính yếu là người ta theo một lối sống có hướng rõ ràng vào các thực tại tinh thần. Khi tái định hướng mục tiêu của đời mình và nỗ lực đi tới mục tiêu ấy, ảnh hưởng qua nhiều năm tháng tập luyện dần dần thấy rõ trong đời sống hằng ngày.
Bởi đây là nỗ lực trong tâm thức, trí não linh hoạt mạnh mẽ nhưng trầm lặng, sống động luôn mà không phải chi cố gắng tỏ ra tốt lành, có thiện chí, hoặc tỏ lòng không ích kỷ và có ước nguyện cao. Nhiều người học đạo có vẻ nghĩ rằng đi trên đường đạo là chủ ý thay đổi bản tính thấp, biểu lộ sự sống bằng cách có chánh nghiệp - sống và suy nghĩ, thương yêu, hiểu biết đúng đắn. Nó quả là vậy tất cả mà còn có điều hơn thế nữa. Có đức hạnh và ước nguyện là chuyện thiết yếu, nhưng sinh hoạt mãnh liệt của trí năng cần khả năng tưởng tượng và tượng hình.
Người chí nguyện không nên cho rằng sau khi có tỏ ngộ về đường đạo, tất cả những điều họ phải làm là chờ đợi sự tiến bộ tự động tới. Sự việc không phải như vậy. Việc mở mang thượng trí chính yếu là sinh hoạt của phàm nhân từ dưới đi lên, được Chân nhân từ trên trợ giúp, trong thực tế ta thấy quá nhiều sự ù lì, trì trệ nơi người chí nguyện vào lúc này.
● Ta cũng có thể nhìn sự việc theo một mặt khác. Con người đang bắt đầu chuyển hóa hiểu biết thành minh triết, khi việc diễn ra thì đời sống con người chú mục vào cõi trí, vì căn bản của việc này là diễn tiến trí tuệ. Họ cũng khởi sự hiểu ý nghĩa của tình thương, diễn giải nó theo ý là sự an lành cho nhóm, mà không phải là cho cái ngã, lòng ham muốn hay ngay cả ước vọng. Tình thương đúng nghĩa chỉ được cái trí hiểu rõ khi người ta hướng về tinh thần. Con người cũng hiểu ra là không có gì gọi là hy sinh vì không có gì để hy sinh. Chữ này thường chỉ có nghĩa là ước muốn của phàm nhân bị ngăn chặn, người chí nguyện sẵn lòng nhận chịu nhưng ở giai đoạn này, đó là ý sai lạc và giới hạn.
Hy sinh thực ra là sự qui thuận hoàn toàn theo ý Trời, vì ý chí tinh thần của con người và thiên ý (theo anh hiểu Thiên cơ) nay thành ý chí của anh. Càng ngày càng có sự đồng hóa về mục tiêu, thế nên ý riêng, ước muốn và hoạt động thông minh nay được thấy rõ, cùng nhận biết chúng chỉ là sự biểu lộ thấp (tình cảm, hạ trí) của ba thành phần thiêng liêng (thượng trí, bồ đề tâm, atma), và nỗ lực phải làm là biểu lộ chúng như là Chân nhân, mà không phải - như từ trước tới nay vẫn nghĩ - là phàm nhân hết lòng và theo đúng hướng. Nói giản dị thì phàm nhân càng lúc càng hòa vào Chân nhân rồi sau cùng mất hẳn, chỉ còn lại cái sau.
Điều này chỉ có thể xẩy ra theo đúng nghĩa khi trọng tâm của sự sống đặt vào thể trí, trí não cũng như quả tim trở thành linh hoạt. Trong diễn trình này giai đoạn lập hạnh được xem là thiết yếu và hữu dụng, và được sẵn lòng cũng như chủ ý thực hiện; nhưng khi nền tảng đức hạnh và hoạt động trí tuệ sau rốt đã thành, có một điều khác còn cao và tinh tế hơn nữa phải được xây cất trên căn bản ấy.
Kiến thức- minh triết phải được thay thế bằng hiểu biết trực giác, mà một cách thể hiện là sự sáng tạo với động lực là tình thương, được thực hiện một cách thông minh. Một trong những chỉ dấu cho thấy ai đã qua giai đoạn chuẩn bị, nặng lòng sùng tín, ra khỏi cõi ước nguyện là họ bắt đầu có chủ ý, diễn giải sự việc theo năng lực và lực, mà không phải theo tính chất như tốt hay xấu, và đáng ham muốn hay không. Thái độ ấy là một bước tiến rõ rệt, so ra thì có nhận xét nói rằng người chí nguyện lúc này có quá ít ý chí tinh thần, là kết quả của sự định hướng đúng đắn.
Đời sống của người học hỏi huyền bí học là sống có ý thức trong thế giới của năng lực, các năng lực luôn có chung quanh ta, vì trọn sự hiện hữu của mọi loài trong thiên nhiên là năng lực được biểu lộ, nhưng người ta không nhận ra điều ấy. Lấy thí dụ họ không ý thức là khi bực bội, cáu kính đâm ra to tiếng hay có ý giận dữ, thì ấy là họ lấy năng lực cõi trung giới và dùng nó, mà việc sử dụng như vậy làm họ sống ở mức trung giới không thích hợp cho mình. Tiếp tục dùng năng lực này, hay có thói quen dùng chúng (tánh dễ giận) sẽ gây hại cho họ.
Khi người chí nguyện nhận ra con người mình gồm nhiều năng lực, được giữ chung lại với nhau bằng một năng lực kết hợp còn mạnh hơn, thành một biểu hiện liền lạc, anh bắt đầu chủ ý làm việc trong một thế giới tương tự cũng gồm những lực. Lúc ấy anh khởi sự dùng lực một cách chọn lọc, dùng một loại nào đó, vá có những bước đầu tiên trở thành nhà huyền bí học.
Thượng trí có tính bao trọn tất cả inclusive, nên khi có được tâm thức này con người sẽ biểu lộ khác đi. Ta được nghe là dần dần tâm pháp heart doctrine phải thay thế nhãn pháp eye doctrine. Giải thích thì khi con người có phát triển tinh thần, có được sự hòa hợp với thiêng liêng, cảm nhận mình là một với muôn loài, ý thức là Một này hay tâm pháp - hay nhất nguyên không còn sự phân biệt giữa ta với người - bắt đầu thay cho nhãn pháp mang tính nhị nguyên dualism, chỉ sự liên hệ tinh thần giữa cái tôi bên trong và Thượng Đế hay đối tượng nào khác bên ngoài, chính ra là Chân nhân mà con người chưa nhận biết.
● Nay ta đến một tính chất khác của thượng trí là óc sáng tạo. Việc tượng hình được bàn kỹ trong bài Thiền số này (cũng xin đọc thêm bài Về Thiền 2, PST 75) nên ở đây, ta chỉ giới hạn sinh hoạt đó vào thượng trí. Thượng Đế tạo tác, và theo nguyên tắc ‘Trên sao, dưới vậy’ thì con người cũng sáng tạo, thành tác nhân tạo hình có ý thức nơi cõi trần và cõi tâm thức, học hỏi kinh nghiệm từ những sáng tạo đó và nhờ vậy, tiến hóa. Việc sáng tạo chỉ được nói tới, trở thành quan trọng khi con người đã mở mang hạ trí, có thể sinh hoạt và làm việc ở cõi trí, vì sự sáng tạo dùng chất liệu cõi trí để tạo hình, và dùng cả hai tính chất của trí năng là cụ thể và trừu tượng, tức cả hạ trí và thượng trí.
Cũng do việc óc sáng tạo cần cái trí, nên chỉ vào giống dân thứ năm Aryan - và từ 5.000 năm trước tới nay - mà không phải trước đó, vấn đề mới được đặt ra và thúc đẩy. nơi hai giống dân trước là Lemuria (thứ ba) và Atlantis (thứ tư), cũng như tới khoảng 5.000 năm trước, trí năng chưa phát triển nên con người không bị đòi hỏi này, chỉ từ 5.000 năm trở lại trí năng mới thành đặc tính nổi bật của nhân loại
Ta có thể hỏi vậy bao nhiêu đền đài, công trình sáng tạo khắp nơi trên trái đất khi xưa từ đâu mà ra ? Chúng không phải là sản phẩm của trí người vào các thời điểm xa xưa đó, mà là sự áp đặt của ý chí sáng tạo của Thiên Đoàn, lên trí não của người rất nhậy cảm lúc ấy với ấn tượng từ trên cao. Tính nhậy cảm đáp ứng với ấn tượng có tính sáng tạo, là tính chất nổi bật của tâm thức thời cuối giống dân Atlantis và đầu Aryan. Ngày nay nó nhường chỗ cho khả năng sáng tạo của cá nhân, con người bắt đầu tạo hình nơi cõi trí.
● Phát triển thượng trí cho kết quả là tâm thức mở rộng, đây là nỗ lực, là sự gắng công không ngừng nghỉ trong nhiều năm tháng và nhiều kiếp người. Nó là trạng thái tinh thần được con người duy trì có ý thức, nuôi dưỡng từng giây phút, là sự thức tỉnh luôn luôn mỗi khi nhớ tới. Khi được tập lâu dài, sống trong trạng thái trở thành thói quen, tâm thức con người nay trụ ở cõi trí.
Trọn hệ thống tiến hóa dựa trên một loạt bước đi lên ascension. Những bước tiến này là kết quả của một diễn trình, một kỹ thuật, một phương pháp (chọn chữ nào hợp với bạn) về sự thỉnh cầu của cái dưới (hoặc cá nhân, nhóm, hoặc nguyên cả một loài) lên cái trên, và sự kêu gọi của cái cao hơn có tính bao trọn và tỏ ngộ hơn cho cái thấp. Các đấng cao cả nhất phải là những vị có thể bao trùm trọn một loài trong thiên nhiên, hay trọn các trạng thái của thiêng liêng trong tâm thức mình. Việc chúng ta đi từ hạ trí tập mở mang thượng trí nằm trong sự đi lên này, và chỉ dẫn về tưởng tượng, tạo hình chẳng những giúp ta mở rộng tâm thức, mà còn giúp ta điều khiển lực, các khả năng.
Những ý, hiểu biết hay khái niệm đưa ra có thể được xem là mới mẻ, nhưng chỉ là ‘mới’ trong tâm thức của ta, vì chúng luôn có đó từ trước đến giờ như là sự kiện căn bản, nền tảng, và chi được người có phát triển tinh thần dần dần cảm biết và đáp ứng. Bài là mở đầu cho việc tìm hiểu thượng trí, trưng ra mục tiêu và con đường; ta sẽ nói kỹ hơn vào các bài sau. 

Tham khào:

The Rays and  the Initiations,  A. Bailey

Xem Bài Liên Quan: Luật Thiêng Liêng & Các Thể Thanh