LỊCH SỬ HỘI TTH VIỆT NAM PHẦN I

  
   
1925-1952


Lịch sử hội Thông Thiên Học có liên quan mật thiết với đời thông thiên học của tôi. Tháng 7 năm 1921, tôi từ giã trường Chasseloup-Laubat (sau này là trường Pétrus Trương Vĩnh Ký) sau khi đã đỗ bằng thành chung. Ra đời, tôi bắt đầu mộ đạo. Tôi đọc các loại sách giải về từ điện, nhân điện và thần linh và luôn những sách Phật giáo, Thiên chúa giáo và Đạo giáo. Nhưng tôi có một điều thắc mắc là không có sách nào giải quyết được ba câu hỏi này:
- Con người là ai ?
- Xuống cõi trần làm chi ?
- Con người sẽ đi về đâu ?
Hai năm sau, năm 1923, tình cờ tôi giở cuốn mục lục nhà sách Chacornac trương 23 thấy ghi một cuốn nhan đề 'Les Aides Invisibles' (Những Vị Cứu Trợ Vô Hình) giá có 3 quan (franc), tôi bèn viết thơ mua xem thử. Sau khi đọc xong tôi lấy làm là mà tự nói 'Tại sao tôi nhớ mày mạy đã biết những điều nói trong cuốn này rồi'. Nhưng tới một năm rưỡi sau nhằm tháng 9 - 1924 tôi mới viết thư cho ông tổng thư ký hội Thông Thiên Học Pháp, lúc đó là ông Charles Blech, một nhà Thông Thiên Học uyên thâm và hy sinh triệt để. Ngày 21 - 11 - 1924 tiếp được thư ông trả lời, tôi bèn ký tên vào đơn xin gia nhập hội Thông Thiên Học Pháp, văn bằng hội viên của tôi đề ngày 5 - 1 - 1925.
Trước tôi, không biết người Việt mình có ai đọc sách Thông Thiên Học hay không, chớ từ năm 1925 tôi không nghe ai nói tới danh từ Thông Thiên Học cả. Ông Charles Blech gởi cho tôi ba quyển:
- Dưới Chân Thầy.
- Sự tấn hoá huyền bí của nhơn loại (Evolution occulte de l'Humanite), C. Jinarājadāsa.
- Đạo lý cổ truyền (La Sagesse antique), Annie Besant.
Tôi bắt đầu học lại những điều tôi đã học từ mấy kiếp trước. Hai năm sau tôi khởi sự truyền bá giáo lý Thông Thiên Học và viết bộ Đạo lý thuyết minh gồm 4 quyển:
- Hồn phách con người
- Thiên đường địa ngục
- Luân hồi.
- Quả báo.
Kế đó:
- Phật giáo yếu lý, và
- Luân lý đạo Phật. 
Người thứ nhì vào hội Thông Thiên Học Pháp ngày 1 - 10 - 1927 là ông Huỳnh Bá Nhệ, hiện giờ (1955) là giáo viên trường nữ tỉnh lỵ Châu Đốc. Người thứ ba là ông Nguyễn Cửu Phú (Châu Đốc).
Qua năm 1928, một người Pháp tên Georges Raimond, hội viên hội T.T.H. Pháp qua Việt Nam làm kỹ sư. Trước khi từ giã Paris, bà Zelma Blech, chị ông Charles Blech, căn dặn qua Việt Nam kiếm tôi. Anh viết thơ cho tôi ngày 19 - 7 - 1928. Chúng tôi gặp nhau tại Châu Đốc ngày 5 - 8 - 1928 và bàn tính sự truyền bá giáo lý T.T.H. một cách rộng rãi hơn nữa.
 Tôi khuyên Raimond nên xin phép lập một chi bộ T.T.H. tại Sài Gòn, bề thế của anh hơn tôi rất nhiều vì anh là người Pháp. Anh Raimond có xin phép lập một chi bộ T.T.H. lấy tên là Branch Cochinchine nhưng việc bất thành, lúc đó chính phủ Pháp rất nghi kỵ những hội hè. Chính phủ Pháp tại Sài gòn không cho phép mà cũng không làm khó dễ, bởi vì chi trưởng là người Pháp và lúc đó chi bộ chỉ có năm hội viên: Georges Raimond, Nguyễn Cửu Phú, ông bà Nguyễn văn Mạnh, Trần Quang Nghiêm tại số 4 đường Pierre Flandin, Sài Gòn là nhà riêng của anh Raimond, thư ký là ông Trần văn Sao, ông có chữ viết nắn nót rất đẹp. Trong một tháng có một hay hai buổi nói chuyện. Tại Sài Gòn, một số công chức cao cấp người Pháp trở  thành hội viên hội T.T.H.
Tôi đã viết bộ Đạo lý thuyết minh nhưng không có tiền in, anh Raimond xuất tiền mướn nhà sách Albert Portail in bốn quyển đó, mỗi quyển 4.000 cuốn ngày 30 - 10 - 1928. Hai quyển kế là Phật giáo yếu lýLuân lý đạo Phật của tôi, năm 1929 và 1930 mỗi thứ 3.000 cuốn, nhưng cho thì nhiều, bán thì ít, không nói ra tưởng quí bạn cũng rõ vì lý do nào rồi. Tôi có đăng một loạt bài nói về T.T.H. trong Đông Pháp Thời Báo. Riêng tôi, rất cám ơn anh Raimond vì nhờ anh mới có việc xuất bản sáu quyển sách T.T.H. đầu tiên. Anh có công đức rất lớn trong việc phổ biến T.T.H. tại V.N. Tôi tin rằng âu cũng là do việc tiền định có sắp đặt mà không phải là tình cờ.
Cũng năm 1928 bạn tôi, ông Hồ văn Mạnh, hiệu trưởng trường Nữ Châu Đốc đề xướng dịch cuốn Dưới Chân Thầy, phần ông khởi sự trước rồi tôi sửa chữa sau. Nhưng tiếc thay công việc chưa hoàn thành thì ông từ giã cõi đời, để lại sự mến tiếc vì ông là người hội viên rất chân thành. Tôi phải dịch lại hết trọn cuốn.
Năm 1929 ông Leadbeater ở Java, tôi viết thư mời ông qua Sài Gòn trọ tại nhà anh Raimond số 4 đường Pierre Flandin. Rất tiếc lúc đó không nhằm lúc bãi trường tôi không thể lên Sài Gòn.
 Tới nửa năm 1930, anh Raimond vì dính líu với tờ tạp chí 'Indochine' nên bị trục xuất, anh từ giã Việt Nam về Pháp. Tháng tám 1931, anh Monod Herzen, hiện giờ làm khoa trưởng trường Đại học Khoa học, từ Pháp qua ở với anh em T.T.H. Châu Đốc trong một tháng. Nhân dịp nghỉ hè em Diệu Minh Võ Phụng Kiều lên Sài Gòn gặp tôi, có hai em Nguyễn thị Hai và Nguyễn văn Ba đi theo, vì tôi có cho em Diệu Minh hay anh Herzen đã đến. Sau khi tôi giới thiệu anh Herzen với ba em rồi thì em Nguyễn thị Hai và Nguyễn văn Ba rất vui lòng học hỏi đạo đức với anh Herzen.
Năm 1933 tờ Niết Bàn tạp chí xuất bản ngày 15 - 10 - 1933 và phổ biến T.T.H. tới năm 1938, do hai ông Trương Khương và Phan văn Hiện chủ trương; tái bản 5 - 1948 và đình bản 1949.
Năm 1934 một hội viên hội T.T.H. Pháp tên Soubrier qua làm việc tại nhà thuốc Mus đường Catinat. Tôi lên viếng ông và bàn tính việc lập một chi bộ T.T.H.. Ông đứng đơn xin, sở mật thám Pháp cho nhân viên đi điều tra, tôi và ông Soubrier ngồi trên lầu nhà thuốc Mus tiếp chuyện.  Họ thấy chúng tôi không hề nói đến chính trị nên về làm phúc trình tốt đẹp, nhờ đó chính phủ Pháp mới cho lập và ngày 9 - 10- 1934 chi bộ Leadbeater được phép hoạt động, thuộc xứ bộ Pháp. Về sau khi ông Soubrier về Pháp thì ông Timmermans chủ sự sở Bưu Điện Chợ Lớn lên làm chi trưởng.
Ngày 24 - 12 - 1935 Adyar cử hành lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội rất long trọng, chi bộ Leadbeater cử em Nguyễn thị Hai qua đó làm đại diện, dự đại hội thường niên.
Ngày 1 - 3 - 1936 ông Jinarājadāsa qua viếng Việt Nam và ở trọn hai tuần tại Sài Gòn, lúc đó tôi có mặt vì tôi xin nghỉ một tháng không ăn lương. Ông diễn thuyết hai lần tại Nam Kỳ Khuyến Học Hội (Samipic), lần đầu ngày 4 - 3 ông nói về Phật pháp, lần thứ nhì ngày 14 - 3 ông giải về T.T.H. và tình huynh đệ. Ngày 7 - 3 ông có đi viếng chi bộ Bạc Liêu thành lập 7 - 3 -năm 1936 lấy tên là 'Le Serviteur' (Người Phụng Sự), và đọc lại cho thính giả nghe bài Phật pháp của ông đã nói tại Nam Kỳ Khuyến Học Hội. Năm sau 1937, ông đi du lịch Nhật Bản, bận đi và bận về ông đều ghé lại Sài Gòn 4 ngày đặng tiếp xúc với các hội viên. Mỗi đêm ông đều đến hội quán T.T.H. số 48 đường Vassoigne để giảng dạy. Lúc đó nhằm bãi trường lớn nên tôi có mặt tại Sài Gòn
Tới năm 1940, hội T.T.H. Pháp bị đóng cửa, chi bộ Leadbeater và chi bộ Bạc Liêu đồng chịu chung số phận. Sau khi Đức quốc đầu hàng:
- 1948 Gia đình T.T.H. được thành lập.
- Năm 1948, chi bộ Leadbeater trở lại hoạt động như xưa nhưng năm 1949 tách ra khỏi hội T.T.H. Pháp và trực thuộc Adyar.
Từ 1948 đến 1952 toàn cõi Việt Nam có bẩy chi bộ được thành lập:
Chi bộ Việt Nam (là chi bộ Leadbeater đổi tên năm 1950), chi trưởng Phạm Ngọc Đa. Đây là chi bộ đầu tiên và từ năm 1952 ban quản trị của chi bộ đổi làm ban giám đốc của xứ bộ.
Chi bộ Kiêm Ái, chi trưởng Phan văn Hiện.
Chi bộ Thanh Niên Phụng Sự, chi trưởng  ---
Chi bộ Dưới Chân Thầy, chi trưởng Nguyễn Minh Tâm 
Chi bộ Long Xuyên, chi trưởng Phạm Thành Kỉnh.
Chi bộ An Giang, chi trưởng Châu văn Đồng
 Chi bộ Bác Ái ở Tân Châu, chi trưởng Nguyễn văn Lầu.
 Đủ bẩy chi bộ rồi, bẩy chi trưởng ký tên vào đơn gửi qua Adyar xin thành lập Xứ Bộ Thông Thiên Học Việt Nam. Mặc dầu đã thành lập xứ bộ, hội T.T.H. cũng chưa được hoạt động toàn cõi Việt Nam vì chính phủ Nguyễn văn Tâm chưa chấp thuận điều đó. Nhờ ông Nguyễn văn Lượng nói với ông De Berval chủ nhiệm một tờ báo Pháp can thiệp với chính phủ cho nên hội T.T.H. mới được phép truyền bá giáo lý khắp Trung Nam Bắc.
 Phải nói rằng hai ông bà Nguyễn văn Lượng có công rất lớn trong việc thành lập hội T.T.H.V.N.  Ông bà hiến cho hội miếng đất và số tiền lớn để cất nhà hội năm 1951.
                                            
Bà Rukmini Arundale khai mạc lễ khánh thành hội quán T.T.H.V.N. ngày 6 - 4 - 1952.
Ngày 18 - 10 -1952 Chính phủ V.N. cho phép Hội T.T.H. được hoạt động khắp trong nước do nghị định số 46 MI DAP. Ngày 25 - 12 - 1952, Hội T.T.H.V.N. trở thành xứ bộ thứ 50 của hội chánh tại Adyar. Hội có 7 chi bộ với 160 hội viên.
Ngày nay cơ quan chính thức của hội là tờ 'Đạo Học', và hội T.T.H. Việt Nam được một hội quán đồ sộ như thế này là nhờ lòng sốt sắng của một số đông quý bạn hội viên tân và cựu, mà bản danh sách có ghi trong quyển 'Sổ Vàng' của Hội.
Nói tóm lại, tôi chẳng qua là một tên hướng đạo lo dọn đường, mở nẻo, ruồng phá chông gai, chỉ mong mỏi một điều là làm tròn sứ mạng và cầu xin quí bạn bước mau tới cửa Đạo đặng chia sớt gánh nặng nghiệp quả của trần gian.

BẠCH  LIÊN.
1955.

Tài Liệu

– Bài viết của ông Bạch Liên trong tạp chí Đạo Học số 1 tháng 3 – 1955, số đặc biệt phát hành ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh nhân dịp ông Sri Ram, Chánh Hội Truởng Hội TTH thế giới, viếng xứ bộ Việt Nam.
– Bản thảo của ông Trương Khương do cô Trần thị Quí trao lại.
 Tìm đọc lịch sử các xứ bộ ta nhận ra vài điều sau
– Xứ bộ Nga thành lập khoảng 1908 – 1909, khi có thay đổi sang chế độ cộng sản năm 1917 thì hội vẫn tiếp tục hoạt động mấy năm đầu, nhưng cuối cùng bị ngưng năm 1922. Sau đó hội viên người Nga định cư ở các nước Âu châu lập nên chi bộ và tới năm 1925, tính ra có 7 chi bộ bên ngoài nước Nga đủ để thành xứ bộ. Đây là tình trạng bất thường vì xứ bộ được định nghĩa là có vùng hoạt động riêng.  Sau khi có thảo luận tại Adyar, yêu cầu được chấp thuận vì lý do đặc biệt và xứ bộ bên ngoài nước Nga thành hình cùng năm. Tuy nhiên sinh hoạt xứ bộ suy yếu và rồi mất hẳn. Về sau khi Nga có lại chính thể tự do, phong trào TTH được tái sinh năm 1990 nhưng dù có đáp ứng, cho tới nay Nga vẫn chưa có xứ bộ trở lại tuy đã có một chi bộ được thành lập.
– Mặt khác xứ bộ Cuba có mặt từ năm 1912 nay vẫn còn tồn tại với 7 chi bộ, nhưng sự kiện lần chót có chi bộ lập ra là năm 1952, và từ khi có chính quyền cộng sản đến nay, hơn 50 năm sinh hoạt mà xứ bộ không có thêm chi bộ mới nào làm người ta phải suy nghĩ.
Trong danh sách trên có ghi các chi trưởng sáng lập chi bộ mà vắng tên chi trưởng chi bộ Thanh Niên. Hiện đang có nỗ lực truy tìm danh tánh chi trưởng.  Nói thêm thì năm 1955 chi trưởng sáng lập ra đi biệt tích và chỉ trở về Sài Gòn năm 1975. Trong khi đó chi trưởng khác của chi bộ là huynh François Mylne làm việc trên tầu chở đồng bào di cư từ Bắc vào Nam, tầu đi đi về về từ Hải Phòng vào Đà Nẵng, Sài Gòn trong những năm 55 - 56 như chim én đưa thoi. Chi bộ mất hai chi trưởng không người lèo lái nên năm 1955 ngưng sinh hoạt, phải chờ đến năm 56 xong công việc, huynh François Mylne trở lại với thanh niên và chi bộ hồi sinh năm 1957. Vận mạng đất nước cho phản ảnh rõ rệt qua hai con đường khác nhau mà hai chi trưởng lựa chọn cho mình.

Xem Lịch Sử Hội Thông Thiên Học Phần II